Sau chiến tranh thế giới thứ hai, đế quốc Mỹ trở nên giàu có và hùng mạnh, đứng ra giữ vai trò giám sát, can thiệp vào các vấn đề quốc tế. Sự xuất hiện của các nhân tố mới, làm thay đổi tương quan lực lượng toàn cầu, có lợi cho phong trào cách mạng thế giới; buộc Mỹ phải thực hiện chiến lược toàn cầu nhằm chống lại các trào lưu cách mạng, đàn áp và phá hoại phong trào độc lập dân tộc, ngăn chặn sự phát triển của chủ nghĩa xã hội, đồng thời tranh giành vị trí và ảnh hưởng với các đế quốc khác.
Việt Nam có vị trí chiến lược quan trọng trong khu vực Đông Nam Á và đấu tranh rất mạnh mẽ làm ảnh hưởng sâu sắc đối với phong trào giải phóng dân tộc trên thế giới, là ngọn cờ tiêu biểu cho sự kết hợp các trào lưu cách mạng của thời đại; đế quốc Mỹ xác định Việt Nam là điểm nóng bỏng nhất, có vị trí sống còn trong tuyến ngăn chặn chủ nghĩa cộng sản nên đã tích cực can thiệp. Về phía ta, mục tiêu độc lập dân tộc, thống nhất Tổ quốc, đưa cả nước tiến lên theo con đường xã hội chủ nghĩa, xây dựng cuộc sống hòa bình, ấm no, hạnh phúc và phồn vinh là nguyện vọng thiêng liêng, là sự nghiệp chính nghĩa của toàn thể Nhân dân, cũng là mục tiêu cơ bản, lâu dài của cách mạng Việt Nam. Với thắng lợi qua các chiến dịch và cuộc tiến công chiến lược Đông - Xuân 1953 - 1954 của quân và dân ta mà đỉnh cao là chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” ngày 07/5/1954. Tuy nhiên, miền Nam vẫn phải sống dưới ách thống trị của chủ nghĩa thực dân mới của Mỹ. Với chân lý “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”, “Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một”, “Nam Bộ là máu của máu Việt Nam, là thịt của thịt Việt Nam”, toàn thể dân tộc Việt Nam trước sau như một đoàn kết đồng lòng, quyết đánh và quyết thắng đế quốc Mỹ trở thành tư tưởng lớn của thời đại, để hoàn thành cho kỳ được mục tiêu Tổ quốc thống nhất, đồng bào Nam - Bắc sum họp một nhà.
* Khi kết thúc cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Trước tình thế mới, Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã bố trí một số cán bộ, đảng viên ở lại miền Nam để lãnh đạo phong trào đấu tranh, đồng thời thực hiện việc chuyển quân, đưa hàng vạn con em, chiến sĩ, đồng bào, cán bộ ở miền Nam ra Bắc học tập, nhằm đào tạo đội ngũ cán bộ phục vụ xây dựng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc, cũng như chuẩn bị lực lượng cho cuộc đấu tranh giải phóng miền Nam và tái thiết đất nước sau chiến tranh; lãnh đạo quân và dân cả nước thực hiện đồng thời hai nhiệm vụ chiến lược: cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc, xây dựng miền Bắc thành căn cứ vững mạnh của cách mạng cả nước và cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam nhằm giải phóng miền Nam khỏi ách thống trị của đế quốc Mỹ.
* Để đối phó với chiến lược “Chiến tranh đặc biệt”, thực chất là “dùng người Việt đánh người Việt” của địch. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, cuộc đấu tranh của nhân dân miền Nam chuyển sang giai đoạn mới, từ khởi nghĩa từng phần lên chiến tranh cách mạng, kết hợp song song đấu tranh vũ trang và đấu tranh chính trị, đánh địch bằng cả quân sự và chính trị, kết hợp ba mũi giáp công, trên cả ba vùng chiến lược, làm phá sản chiến lược "Chiến tranh đặc biệt" của đế quốc Mỹ và tay sai.
Ngày 02/01/1963, chiến thắng Ấp Bắc (Mỹ Tho) đánh bại chiến thuật “trực thăng vận” và “thiết xa vận” của địch, từ năm 1964 - 1965, quân và dân ta trên chiến trường miền Nam liên tiếp mở các chiến dịch tiến công, bẻ gãy nhiều cuộc hành quân càn quét của địch, làm nên những chiến thắng oanh liệt, như: Bình Giã (02/12/1964 - 03/01/1965), Ba Gia (28/5 - 20/7/1965), Đồng Xoài (11/5 - 22/7/1965)...
* Chuyển sang chiến lược "Chiến tranh cục bộ", đế quốc Mỹ sử dụng quân đội Mỹ làm lực lượng cơ động chiến lược để tìm diệt bộ đội chủ lực ta. Trên chiến trường miền Nam, quân và dân ta đã đánh thắng quân xâm lược Mỹ ngay từ những trận đầu khi chúng vừa đổ bộ vào. Tiếp theo những trận thắng oanh liệt ở Núi Thành, Vạn Tường, Plâyme, Bàu Bàng, … quân và dân ta lại đánh bại ba cuộc hành quân lớn của Mỹ vào miền Đông Nam Bộ, đánh thắng lớn ở các chiến trường Tây Nguyên, miền Tây khu V, Đường 9, đồng bằng Nam Bộ và các mục tiêu chủ yếu của Mỹ ở các thành phố lớn. Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân 1968 đã giáng một đòn quyết định vào chiến lược "Chiến tranh cục bộ" của đế quốc Mỹ, buộc chúng phải xuống thang chiến tranh và ngồi vào bàn đàm phán với ta tại Hội nghị Paris, mở ra cục diện mới vừa đánh vừa đàm.
* Nhờ chuẩn bị tốt lực lượng, nắm đúng thời cơ, quân và dân ta đã liên tiếp giành thắng lợi lớn trên chiến trường, nhất là cuộc tiến công chiến lược năm 1972 và đánh bại cuộc chiến tranh phá hoại lần thứ hai ra miền Bắc bằng máy bay B52 của Mỹ, làm nên chiến thắng oanh liệt “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”, thay đổi cục diện chiến trường, cục diện chiến tranh theo thế có lợi cho ta.
* Sau khi ký Hiệp định Paris, đế quốc Mỹ tăng cường chi viện tiền của, vũ khí, phương tiện chiến tranh cho quân ngụy lấn đất, giành dân, khống chế Nhân dân. Ban Chấp hành Trung ương Ðảng đã họp đề ra các nhiệm vụ lớn cho hai miền Nam - Bắc. Đảng ta nhận định thời cơ giải phóng miền Nam đã đến, quyết định tiến hành mở cuộc tiến công chiến lược nhằm giải phóng hoàn toàn miền Nam. Sau khi hoàn thành chuẩn bị chiến lược cả về thế và lực, cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 được tiến hành từ ngày 04/3/1975 với các chiến dịch: Chiến dịch Tây Nguyên mở đầu bằng trận đột phá chiến lược đánh chiếm Buôn Ma Thuột, giải phóng Tây Nguyên; hai chiến dịch giải phóng Huế - Đà Nẵng và Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử giải phóng Sài Gòn - Gia Định với nhiều bước phát triển nhảy vọt.
- Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử (26/4 - 30/4/1975)
Sau một tháng Tổng tiến công và nổi dậy mạnh mẽ, liên tục, quân và dân ta đã giành được những thắng lợi to lớn, toàn diện cả về chính trị và quân sự. Trong khi đó, địch bị mất toàn bộ Quân khu 1, Quân khu 2, một nửa sinh lực của Quân đội Sài Gòn bị tiêu diệt, rơi vào tình thế đi đến tan rã hầu như không cứu vãn nổi. Chúng ra sức tổ chức lực lượng, tích cực phòng ngự, lấy việc bảo vệ Sài Gòn làm mục đích chiến lược để có thể làm điều kiện mặc cả đối với ta. Sau khi lần lượt tổ chức các tập đoàn phòng ngự từ xa nhưng đều bị ta đập tan; quân đội ngụy Sài Gòn tập trung xây dựng tuyến phòng thủ cuối cùng là Sài Gòn - Gia Định.
Bộ Chính trị quyết định mở cuộc tổng tiến công và nổi dậy giải phóng Sài Gòn trong thời gian sớm nhất, tốt nhất là trong tháng 4/1975, trước mùa mưa, không thể để chậm. Ngày 07/4/1975, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Tổng Tư lệnh ra lệnh động viên “Thần tốc, thần tốc hơn nữa, táo bạo, táo bạo hơn nữa, tranh thủ thời gian từng phút, xốc tới mặt trận, giải phóng miền Nam. Quyết chiến và toàn thắng”. Ngày 14/4/1975, theo đề nghị của Đảng ủy - Bộ Tư lệnh chiến dịch và Quân ủy Trung ương, Bộ Chính trị đồng ý chiến dịch giải phóng Sài Gòn lấy tên là “Chiến dịch Hồ Chí Minh”. Các lực lượng chiến lược của ta tham gia chiến dịch lịch sử gồm 4 quân đoàn (1,2,3,4) và Đoàn 232 (tương đương quân đoàn), các đơn vị binh chủng tăng - thiết giáp, đặc công, công binh, thông tin, pháo binh, không quân, hải quân với đầy đủ binh khí kỹ thuật cùng các đơn vị biệt động, bộ đội địa phương, dân quân du kích chuẩn bị tiến về giải phóng Sài Gòn - Gia Định.
17 giờ ngày 26/4/1975, quân ta được lệnh tổng công kích; 5 cánh quân đồng loạt tiến công trên 5 hướng: Hướng Bắc - Quân đoàn 1 (Binh đoàn Quyết Thắng); hướng Tây Bắc - Quân đoàn 3 (Binh đoàn Tây Nguyên); hướng Đông Nam - Quân đoàn 2 (Binh đoàn Hương Giang); hướng Đông - Quân đoàn 4 (Binh đoàn Cửu Long); hướng Tây và Tây Nam - Đoàn 232 và Sư đoàn 8 (Quân khu 8), nhanh chóng đánh chiếm các mục tiêu trọng yếu của địch. Trước cuộc tiến công như vũ bão của quân và dân ta, 11 giờ 30 phút ngày 30/4/1975, quân ta đánh chiếm Dinh Độc Lập, chính quyền ngụy Sài Gòn đầu hàng không điều kiện, cờ giải phóng phấp phới tung bay trên nóc tòa nhà chính của Dinh Độc Lập. Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng.
- Cùng với giải phóng trên đất liền ngày 14/4/1975, các đơn vị ta nổ súng tiến công các đảo thuộc vùng biển phía Nam của Tổ quốc, trong đó có quần đảo Trường Sa, giành lại chủ quyền các đảo vào ngày 29/4/1975.
Từ ngày 30/4 đến đầu tháng 5/1975, bộ đội chủ lực và các lực lượng vũ trang tiến công, kết hợp với sự nổi dậy của quần chúng nhân dân đã giải phóng hoàn toàn các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, vùng biển, giải phóng Côn Đảo, Phú Quốc và các đảo ở vùng biển Tây Nam Tổ quốc.
* Ý nghĩa lịch sử về thắng lợi của quân và dân ta trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước là thành quả vĩ đại nhất trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc do Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo; là trang sử hào hùng và chói lọi trên con đường dựng nước và giữ nước mấy nghìn năm của dân tộc. Chúng ta đã hoàn thành được sứ mệnh lịch sử vẻ vang là giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, mở ra kỷ nguyên mới của dân tộc - kỷ nguyên của độc lập, thống nhất và cùng nhau xây dựng một nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Đây cũng là thắng lợi tiêu biểu của lực lượng cách mạng thế giới; góp phần thúc đẩy mạnh mẽ cuộc đấu tranh của nhân dân thế giới vì mục tiêu độc lập, hòa bình, dân chủ và tiến bộ xã hội; cổ vũ, động viên, khích lệ các dân tộc đang tiến hành công cuộc giải phóng dân tộc, chống chủ nghĩa đế quốc, mở đầu sự phá sản của chủ nghĩa thực dân mới trên toàn thế giới.
* Thắng lợi vĩ đại của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước bắt nguồn từ những nguyên nhân chủ yếu:
Một là, sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng và Bác Hồ kính yêu với đường lối chính trị, quân sự, độc lập, tự chủ đúng đắn, sáng tạo, phương pháp đấu tranh linh hoạt, phù hợp với mỗi giai đoạn của cuộc kháng chiến.
Hai là, tinh thần chiến đấu kiên cường, anh dũng của quân và dân cả nước, đã vượt qua muôn vàn khó khăn, gian khổ, hy sinh, lập nên những chiến công oanh liệt, “đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào”.
Ba là, sức mạnh tổng hợp của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, thống nhất ý chí và hành động; của lòng yêu nước nồng nàn - khát vọng hòa bình, độc lập, tự do và thống nhất đất nước của đồng bào ta.
Bốn là, lòng trung thành tuyệt đối và tinh thần quyết chiến, quyết thắng của các Lực lượng vũ trang nhân dân với sự chỉ huy thao lực của các vị Tướng lĩnh tài ba.
Năm là, tình hữu nghị và sự ủng hộ, giúp đỡ to lớn, hiệu quả của bạn bè quốc tế, của liên minh chiến đấu giữa ba nước Việt Nam, Lào, Campuchia, sự ủng hộ của nhân dân và các lực lượng yêu chuộng hoà bình, tiến bộ trên thế giới.
* Sau khi đất nước thống nhất, nước ta phải đối mặt với những hậu quả nặng nề của 30 năm chiến tranh để lại. Quân và dân ta tiếp tục cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam và cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc, giữ vững độc lập, chủ quyền, lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc; đồng thời, làm tròn nghĩa vụ quốc tế cao cả. Phát huy tinh thần yêu nước, tự lực tự cường cùng ý chí quyết tâm, bản lĩnh, sáng tạo vượt qua mọi khó khăn, thách thức, nắm bắt thuận lợi, thời cơ; sau gần 50 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước và gần 40 năm thực hiện công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, tạo nhiều dấu ấn nổi bật.
- Về chính trị: Việt Nam giữ vững độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ và định hướng xã hội chủ nghĩa; giữ vững vai trò lãnh đạo, cầm quyền của Đảng, bảo đảm vai trò quản lý hiệu quả của Nhà nước, phát huy mạnh mẽ quyền làm chủ của Nhân dân; bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia - dân tộc.
- Về kinh tế: Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa phát triển mạnh mẽ. Quy mô nền kinh tế năm 2023 đạt 433,7 tỷ USD, đứng thứ 35 trên thế giới, đứng thứ 5 trong ASEAN, GDP bình quân đầu người đạt 4.323 USD, gấp 58 lần sau ba thập kỷ, tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 58% năm 1993 xuống còn 2,93% năm 2023.
Năm 2024, tăng trưởng cả năm đạt 7,09% (thuộc nhóm số ít các nước có tốc độ tăng trưởng cao trong khu vực và thế giới); kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát dưới 4%, các cân đối lớn được bảo đảm và có thặng dư. Quy mô GDP theo giá hiện hành ước đạt 11.511,9 nghìn tỷ đồng, tương đương 476,3 tỷ USD; GDP bình quân đầu người theo giá hiện hành ước đạt 114 triệu đồng/người, tương đương 4.700 USD; năng suất lao động của toàn nền kinh tế năm 2024 theo giá hiện hành ước đạt 221,9 triệu đồng/lao động. Giá trị thương hiệu quốc gia Việt Nam năm 2024 đạt 507 tỷ USD, xếp thứ 32/193, tăng 1 bậc so với năm 2023. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu ước đạt 786,29 tỷ USD tăng 15,4%, xuất siêu 24,77 tỷ USD, là năm thứ 9 liên tiếp xuất siêu. Thu NSNN ước cả năm đạt 2.037,5 nghìn tỷ đồng tăng 19,8% so với dự toán. Việt Nam nằm trong nhóm 15 nước đang phát triển thu hút FDI lớn nhất thế giới với 38,23 tỷ USD đăng ký, vốn thực hiện đạt 25,35 tỷ USD, tăng 9,4%, cao nhất trong nhiều năm qua; khách du lịch nước ngoài đến Việt Nam ước đạt 17,6 triệu lượt, tăng 39,5% so với năm 2023.
- Các lĩnh vực văn hóa, xã hội, giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, y tế... đều có sự phát triển vượt bậc, định hình hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam. Đến nay có gần 99% số người lớn Việt Nam biết đọc, biết viết, số sinh viên đại học, cao đẳng tăng gần 20 lần, phổ cập giáo dục trung học cơ sở từ năm 2014 ... Tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 1,93%; chỉ số hạnh phúc năm 2024 của Việt Nam tăng 11 bậc, xếp thứ 54/143; tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế tăng từ 90,2% năm 2020 lên 94,1% năm 2024. Chỉ số phát triển bền vững (SDGs) của Việt Nam năm 2024 xếp thứ 54/166, tăng 1 bậc so với năm 2023.
- Về quốc phòng, an ninh, bảo vệ Tổ quốc: Độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ Tổ quốc và lợi ích quốc gia - dân tộc tiếp tục được bảo vệ vững chắc; gắn kết chặt chẽ, hài hòa giữa phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội với củng cố quốc phòng - an ninh; tiềm lực quốc phòng, an ninh được củng cố, tăng cường trên nhiều mặt. Xây dựng thế trận lòng dân gắn với xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân và thế trận an ninh nhân dân vững chắc. Quân đội nhân dân và Công an nhân dân được xây dựng chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, vững mạnh.
- Về đối ngoại: Hội nhập quốc tế ngày càng đi vào chiều sâu, hiệu quả, đạt nhiều thành tựu quan trọng, có ý nghĩa chiến lược và lâu dài, tạo cục diện đối ngoại mới, rộng mở, thuận lợi cho an ninh và phát triển, nâng cao vị thế đất nước. Mở rộng, làm sâu sắc thêm quan hệ ngoại giao với 194 quốc gia, vùng lãnh thổ, trong đó có 3 nước quan hệ đặc biệt, 9 nước đối tác chiến lược toàn diện, 19 nước đối tác chiến lược (bao gồm cả 9 nước đối tác chiến lược toàn diện) và 13 nước đối tác toàn diện, trong đó đã thiết lập quan hệ đối tác chiến lược toàn diện hoặc đối tác chiến lược với tất cả 5 nước Ủy viên Thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc; mở rộng quan hệ kinh tế - thương mại với 230 quốc gia và vùng lãnh thổ. Việt Nam đã và đang thể hiện tốt vai trò là bạn, là đối tác tin cậy trong cộng đồng quốc tế; có nhiều sáng kiến, đề xuất, chủ động, tích cực tham gia có hiệu quả vào các hoạt động của ASEAN, tổ chức Liên hợp quốc và nhiều tổ chức quốc tế khác.
* Kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước là dịp chúng ta ôn lại những trang sử hào hùng của dân tộc, nhìn lại chặng đường phấn đấu xây dựng và phát triển đất nước; đồng thời nhận thức sâu sắc hơn giá trị, những bài học kinh nghiệm được tổng kết từ trong thực tiễn đấu tranh của dân tộc để tiếp thêm sức mạnh, ý chí quyết tâm trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, biến những thành tựu vẻ vang trong quá khứ thành động lực để hoàn thành sứ mệnh lịch sử trong kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình, phát triển phồn vinh, văn minh, hạnh phúc, thịnh vượng của dân tộc Việt Nam.
* Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, cùng với quân, dân cả nước, quân, dân tỉnh Bình Dương cũng đã anh dũng vượt qua những năm tháng vô cùng gian khổ, ác liệt. Những trận đánh, những địa danh, những tên đất, tên làng, như: chiến khu D, Thủ Biên - Tam giác sắt, Bàu Bàng, Đất Cuốc, Bông Trang - Nhà đỏ, Lò Gạch, Tháp canh - Cầu Bà Kiên, Long Nguyên - Bến Cát, Dầu Tiếng, Thủ Dầu Một, Phước Thành, Lai Khê, Bàu Cá Trê... cùng các đơn vị Tiểu đoàn 1 Phú Lợi, Đội nữ pháo binh Bến Cát…mãi mãi được ghi vào lịch sử như những dấu ấn không bao giờ phai, tô thắm thêm truyền thống vẻ vang của quân - dân Bình Dương; những thắng lợi đó đã góp phần cùng quân - dân miền Đông Nam bộ nói riêng và cả nước nói chung lần lượt “đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào” viết nên thiên anh hùng ca rực rỡ nhất trong thời đại Hồ Chí Minh.
* Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng đến nay, trải qua 50 năm, toàn Đảng bộ, toàn dân và toàn quân Sông Bé - Bình Dương đã đoàn kết, phát huy sức mạnh các nguồn lực, vượt qua mọi khó khăn, thách thức thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Đặc biệt, sau 28 năm xây dựng và phát triển (từ năm 1997 đến nay) kinh tế của tỉnh tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng khá.
Tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh luôn được duy trì phát triển tích cực, vươn lên trở thành tỉnh công nghiệp, cực tăng trưởng của khu vực Đông Nam bộ và cả nước. Công tác an sinh xã hội được quan tâm; chế độ, chính sách cho người có công, đối tượng chính sách, đối tượng xã hội, người nghèo và công nhân lao động được chăm lo chu đáo. Công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân được thực hiện tốt, tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt 93,34%. An ninh chính trị được giữ vững, trật tự an toàn xã hội ổn định.
Sau 25 năm tái lập, huyện Phú Giáo đã có sự phát triển vượt bậc về kinh tế xã hội, đến nay đã có 10/10 xã đạt chuẩn nông thôn mới; hạ tầng giao thông, điện, viễn thông được đầu tư đồng bộ, hiện đại; hệ thống trường học, bệnh viên, trạm y tế được đầu tư đáp ứng yêu cầu phục vụ người dân, công tác quốc phòng an ninh được giữ vững; hệ thống chính trị của huyện được quan tâm kiện toàn vững mạnh. Trong giai đoạn hiện nay, Phú Giáo đang tích cực thực hiện cuộc cách mạng về sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn hoạt động hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả; đẩy mạnh phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; tích cực cải cách hành chính, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân để phát triển kinh tế bền vững, chăm lo nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân.
Kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, là dịp để toàn Đảng, toàn quân, toàn dân nhìn lại chặng đường lịch sử cách mạng vẻ vang của đất nước nói chung và của địa phương nói riêng. Đảng bộ, chính quyền, Nhân dân thị trấn Phước Vĩnh tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, năng động, sáng tạo, chủ động vượt qua khó khăn, thử thách, thực hiện thắng lợi mục tiêu góp phần xây dựng Bình Dương trở thành đô thị thông minh, văn minh, giàu đẹp, nghĩa tình, thực sự là nơi đáng sống; vững vàng cùng cả nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên giàu mạnh, thịnh vượng của dân tộc.